Bệnh nấm ký sinh trên cá. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh
1. Bệnh trùng bánh xe 
Nguyên nhân: Do nhiều giống loài thuộc giống Trichodina, Tripartiella, Trichodinella ký sinh chủ yếu ở da và mang cá. Sau khi rời khỏi cơ thể cá, trùng có thể sống tự do trong nước được 1-1,5 ngày. Đây là nguyên nhân khiến cho bệnh lây lan từ cá thể này qua cá thể khác. 
       Triệu chứng: Cơ cá có nhiều nhớt màu trắng đục, da cá chuyển màu xám và ngứa ngáy. Cá nổi đầu từng đàn trên mặt nước riêng cá tra giống thường nhô hẳn đầu lên mặt nước và lắc mạnh, một số cá tách đàn bơi quanh bờ ao. 
       Khi bệnh nặng trùng ký sinh ở mang phá hủy các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội lung tung không định hướng. Sau hết cá lật bụng mấy vòng chìm xuống đáy ao và chết. 
       Bệnh thường xuất hiện và phát triển sau vài ngày trời u ám không có nắng, nhiệt độ xuống thấp đặc biệt vào mùa mưa. 

2. Bệnh trùng quả dưa 
Nguyên nhân: Tác nhân gây bệnh là loài Ichthyophthyrius multifiliis, trùng có dạng rất giống quả dưa, toàn thân có nhiều lông tơ, giữa thân có một nhân lớn hình móng ngựa. Trùng mềm mại có thể biến dạng khi vận động, trong nước ấu trùng bơi lội nhanh hơn trùng trưởng thành. 

     Triệu chứng: Trên da, mang, vây và cơ thể cá bị bệnh có nhiều hạt nhỏ lấm tấm, màu trắng đục (đốm trắng) có thể thấy rõ bằng mắt thường. Cơ thể cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt. 
     Cá bệnh nổi từng đàn lên mặt nước, bơi lờ đờ yếu ớt. 
     Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có nhiều cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá quá yếu chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.


3. Bệnh do sán lá đơn chủ 

Nguyên nhân: Do các loài sán lá đơn chủ thuộc giống Dactylogyrus, Gyrodactylus, Ancyrocephalus, Pseudodactylus…Mỗi loài sán chỉ ký sinh trên một loài cá nhất định nên gọi là sán lá đơn chủ. 
T    riệu chứng: Sán ký sinh ở da và mang, chủ yếu là ở mang. 
      Lúc ký sinh chúng dùng móc bám chặt và phá hoại các tổ chức da và mang cá làm cá tiết nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp, cá nổi đầu và tập trung ở chỗ nước thoáng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh. 


4. Bệnh giun tròn 

Nguyên nhân: Do các loài giun tròn thuộc giống Philometra. Cơ thể thon, dài, con đực khoảng 5-6mm, con cái dài 6-8mm. Giun đẻ con ký sinh ở ruột. 

Triệu chứng: Giun chui vào tầng niêm mạc thành ruột phá hoại niêm mạc ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn khác xâm nhập gây bệnh. Giun hút chất dinh dưỡng làm cá chậm lớn và tiêu tốn thức ăn. Cá tra, basa, lóc nuôi bè thường bị giun tròn ký sinh trong ruột với số lượng lớn.

5.Bệnh trùng mỏ neo 
Nguyên nhân: Do các loài thuộc giống Lernaea. Kích thước lớn khoảng 8-12mm, có thể nhìn thấy trùng bằng mất thường. Khi ký sinh trên cá chúng tiết ra một chất dịch làm tan tổ chức biểu bì của ký chủ và cắm sâu vào da của ký chủ. Nhiệt độ thích hợp cho trùng phát triển là 26-280C. 
       Triệu chứng: Cá bị cảm nhiễm ký sinh trùng Lernaea, lúc đầu cảm thấy khó chịu, biểu hiện cá bơi lội không bình thường, khả năng bắt mồi giảm dần. Lernaea lấy chất dinh dưỡng nên cá bị gầy yếu, bơi lội chậm chạp. 
       Đối với cá hương cá giống bị ký sinh trùng Lernaea ký sinh, cơ thể cá bị dị hình uốn cong, bơi lội mất thăng bằng. Lúc ký sinh phần đầu của Lernaea cắm sâu vào trong tổ chức ký chủ, phần sau lơ lửng trong nước nên thường bị một số giống nguyên sinh động vật, tảo, nấm bám vào da cá phủ một lớp rất bẩn. Ký sinh một số lượng lớn trong xoang miệng làm cho miệng không đóng lại được, cá không bắt được thức ăn và chết. 


6. Bệnh rận cá

Nguyên nhân: Do các loài thuộc giống Argulus. Hình dáng bên ngoài giống con rệp, chiều dài cơ thể khoảng 4-8mm. Rận đẻ trứng, nhiệt độ cho chúng phát triển là 25-28oC. Rận cá có thể chết ở pH nước 9,0-9,2. 

      Triệu chứng: Ký sinh trùng Argulus ký sinh trên cá có thể quan sát được bằng mắt thường nhưng do màu sắc của chúng gần giống với màu sắc của cá , mặt khác cơ thể dẹp dán chặt vào da nên phải thật tỉ mỉ mới nhìn thấy được.  
      Giống Argulus thường ký sinh ở da, vây, mang một số cá nước ngọt, nước lợ, nước biển. Argulus dùng cơ quan miệng, các gai xếp ngược ở mặt bụng cào rách tổ chức da cá làm cho da cá bị viêm lóet tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác xâm nhập. Vì vậy nên nó thường cùng lưu hành với bệnh đốm trắng, bệnh đốm đỏ, lở loét dẫn đến làm cá chết hàng loạt. 
      Mặc khác chúng còn dùng tuyến độc qua ống miệng tiết chất độc phá hoại ký chủ làm cá có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, bơi lội cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm. 


7. Bệnh nấm thuỷ mi (Nấm nước ở cá) 

Nguyên nhân: Bệnh gây ra do 4 giống nấm Leptolegnia, Aphanomyces, Saprolegnia và Achlya, gây hại nhiều đối với nhiều loại cá nuôi giai đoạn cá con, cá thịt và trứng cá. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và thời tiết lạnh khi nhiệt độ thấp (18-20oC), đặc biệt khi cá bị xây xát hoặc do viêm nhiễm ngoài da. 

      Triệu chứng: Khi cá bị nấm thuỷ mi ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu sợi nấm lơ lửng trong nước và có màu trắng. 
      Cá có cảm giác ngứa ngáy, gầy và đen sậm đi, bệnh thường xảy ra ở cá mè, cá rô phi, cá tra đã bị tổn thương cơ thể. 
       Khi cá bị nấm thủy mi ký sinh, trên da xuất hiện vùng trắng xám tua tủa những sợi nấm nhỏ, mềm tạo thành những búi trắng như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trứng cá bị bệnh có màu trắng đục.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *